2020-07-30
Viết bởi Hỗ trợ / 82 bình luận

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên, quê tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng (pháp danh Thích Chánh Tịnh, tu tập tại chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Năm 1994, Phạm Văn Tuyên tình nguyện xuất gia tu học Phật pháp. Qua tìm hiểu, nghiên cứu các công trình chùa chiền, đại đức Thích Chánh Tịnh cảm nhận được nhiều nét tinh hoa trong các họa tiết phù điêu dân gian. Thời gian và những biến thiên lịch sử đã làm bào mòn, làm hư hao nhiều giá trị văn hóa trong các họa tiết. Điều đó đã khơi nguồn cảm hứng để Đại đức phục chế lại những họa tiết phù điêu bị mai một trên các chất liệu để bảo tồn, gìn giữ tinh hóa văn hóa Việt.

Đại đức Thích Chánh Tịnh dành nhiều thời gian nghiên cứu, lao động miệt mài để phục dựng lại những đồ gốm phù điêu, đắp nổi các họa tiết hoa văn trên các bình gốm bằng màu men Tam Thái. Dòng gốm này thể hiện sự thâm trầm đặc trưng của gốm sứ thời Lê, thời Mạc, mang phong cách quý tộc của hoa văn thời Lý, thời Trần... Nét đặc sắc, độc đáo của tác phẩm gốm phù điêu được chế tác, khắc khuôn âm bản, nặn đắp tinh xảo, công phu, phủ men gio, nung củi - công thức truyền thống, thuần Việt. Việc chế tác gốm thủ công kết hợp công nghệ hiện đại, đã trở thành một phương pháp độc lập, mang thương hiệu riêng của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên.

Mỗi tác phẩm là lời tâm tình của đất, của lửa, của nước, của những sẻ chia, tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của ông cha, lưu giữ hồn cốt dân tộc, giới thiệu tới nhân dân TP Hải Phòng. Trong đó: đôi đèn gốm cao 170 cm đến 230 cm mang hình dáng đèn gốm Triều Mạc, các mẫu Lư hương tiêu bản triều Mạc, triều Lê và nhiều tác phẩm gốm phù điêu cỡ lớn... Thời gian tới, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên chế tác nhiều dòng sản phẩm mang dư âm các triều đại lịch sử Việt Nam phục vụ triển lãm, giới thiệu tinh nghệ thủ công trên gốm của người Việt Nam với du khách nước ngoài và hưởng ứng các ngày lễ lớn của quốc gia và thành phố.

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên chia sẻ: Nguyên liệu để chế tác gốm phù điêu được lấy từ đồng ruộng tại địa phương. Bộ “Bách Bình” gồm 100 bình gốm có họa tiết khác nhau, thể hiện nét đặc trưng hoa văn cổ Việt Nam. Hoa văn trên các bình gốm được đắp nổi (phù điêu), màu men tam thái thể hiện sự trầm mặc gốm sứ Lê, Mạc, sự quyền quý hoa văn Lý, Trần. Mỗi bình gốm có một dáng vẻ riêng, sản xuất độc bản, kích thước bình cao 42cm đến 85cm, đường kính 38cm đến 52cm. Cuối năm 2018, Đại đức Thích Chánh Tịnh biên tập 100 mẫu bình gốm (Bách Bình), trình bày thành sách ảnh song ngữ Việt - Anh, giới thiệu với bạn bè quốc tế về tinh nghệ thủ công gốm phù điêu Việt Nam đương đại. Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên chế tác các sản phẩm gốm gia dụng với triết lý nhân văn sâu sắc: “Đất nhu nhuyễn và hiền hòa, trở thành gốm sứ để ta trải lòng” hay “Mồ hôi đất nói lên tình. Đôi tay nổi lửa tặng mình chút vui”; “Tiếng đất gọi bàn tay”...

Năm 2017, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc trưng bày đôi đèn gốm men Tam Thái, một trong các tác phẩm đầu tiên phục dựng phong cách gốm sứ thời Mạc của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên. Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên cũng là tác giả bộ “Văn phòng tứ bảo” gồm: nghiên bút mực, ống quyển bằng đá xanh có kích thước lớn tại Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc và 2 khẩu pháo thần công bằng đồng trưng bày tại chính điện cung vua Mạc. Các tác phẩm gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên thể hiện sự tỉ mỉ, kỳ công. Qua bàn tay tài hoa, sự sáng tạo, nghệ nhân gửi gắm hồn cốt, tinh túy của đất, của lửa, của nước và tâm tư trong tác phẩm.

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đưc Thích Chánh Tịnh) từng phục chế một căn nhà trung nông của dân cư đồng bằng Bắc Bộ theo công thức truyền thống, chạm trổ trên gỗ, điêu khắc trên đá. Nghệ nhân từng tạo dựng không gian văn hóa nghệ thuật sắp đặt “Vườn Xưa” tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Công trình thể hiện các tác phẩm phù điêu trên nhiều chất liệu, nhất là gốm sứ phù điêu, bảo tồn nét văn hóa bản địa về nông học, tái hiện không gian nhà nông, giới thiệu văn hóa, phục vụ nhân dân tham quan. Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên được Hội nghệ nhân – thợ giỏi Hải Phòng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Tháng 10/2018, Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức kỷ lục Việt Nam công bố và trao chứng nhận Kỷ lục Việt Nam “Bộ Bách Bình bằng gốm được chế tác và đắp nổi hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam nhiều loại nhất”.

Nguồn:baovanhoa.vn

#Sưutam

 

Bình luận:
binh-luan

1

23/07/2022

1

binh-luan

1

23/07/2022

1

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0903222185 0985299084